Thị ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc đối với cán bộ, đảng viên.

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thực hiện Chỉ thị Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 20/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đối với cán bộ, đảng viên”; Quy định số 10-QĐ/TU, ngày 11/8/2015, Quyết định số 534-QĐ/TU ngày 12-4-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc đối với cán bộ, đảng viên”. Trong thời gian vừa qua, nhìn chung nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân thị xã Buôn Hồ đã được nâng lên, việc cưới, việc tang, lễ hội đã được thực hiện trang trọng, văn minh, giảm bớt các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; phát huy được những nét đẹp của văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trong thị xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai tuyên truyền, thực hiện của một số cấp ủy TCCS đảng thời gian qua vẫn còn chưa nghiêm túc. Một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo các cấp chưa gương mẫu, tổ chức đám cưới, sinh nhật, mừng nhà mới… còn gây tốn kém, lãng phí gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, đảng viên. Có những cán bộ, đảng viên khi tổ chức cưới cho con hay bản thân, số lượng khách mời dự tiệc vượt quá quy định cho phép hoặc nhà trai, nhà gái tổ chức riêng những vẫn tổ chức “Lễ Thành hôn” vượt quá số lượng quy định; Đặc biệt trong việc tang, còn tình trạng để người chết trong nhà 3-4 ngày mới chôn cất; vẫn còn tình trạng mê tín dị đoan, mời thày Mo cúng ma giải hạn ở một số xã…. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa còn nhiều thiếu xót. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là cán bộ đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu của Chỉ thị 24-CT/TU và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; việc triển khai thực hiện còn hời hợt, chưa nghiêm túc; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa gương mẫu; việc xử lý các trường hợp vi phạm còn nể nang, thiếu kiên quyết; chưa có tác dụng giáo dục đối với những biểu hiện tiêu cực…

 Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc đối với cán bộ, đảng viên”, Ban Thường vụ Thị ủy yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng, các đồng chí Báo cáo viên Thị ủy, Đài Truyền thanh – Truyền hình, Trang Thông tin điện tử thị xã tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 20/6/2013, Quy định số 10-QĐ/TU, ngày 11/8/2015, Quyết định số 534-QĐ/TU ngày 12-4-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt nhấn mạnh những nội dung chính sau đây (những nội dung này được tổng hợp từ Quy định số 10-QĐ/TU và Quyết định số 534-QĐ/TU):

 1. Về việc cưới:

Khi tổ chức tiệc cưới cho con, cho bản thân, cán bộ, đảng viên phải báo cáo bí thư chi bộ, đảng bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nơi sinh hoạt và công tác bằng văn bản về quy mô, hình thức, địa điểm tổ chức, số lượng khách mời (nếu người tổ chức tiệc cưới là thủ trưởng cơ quan, bí thư chi bộ, đảng bộ thì phải báo cáo với tập thể cấp ủy chi bộ, đảng bộ, lãnh đạo cơ quan).

Đối với cán bộ, đảng viên khi tổ chức đám cưới cho bản thân và cho con, số lượng người tham dự tiệc cưới riêng nhà trai (tân hôn), nhà gái (vu quy) không quá 450 người, nếu nhà trai, nhà gái tổ chức chung (thành hôn) thì số lượng người tham dự không quá 700 người (bao gồm cả khách mời và họ hàng hai bên nhà trai, nhà gái)…

 Xử lý khi vi phạm:

Nếu vượt Quy định từ 70-100 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức riêng); từ 100-150 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức chung) thì bị xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Nếu vượt quá Quy định này từ 100-150 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức riêng); từ 150-250 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức chung) thì bị xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Nếu vượt Quy định này từ 150-220 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức riêng); từ 250-350 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức chung) thì bị xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Nếu vượt trên 220 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức riêng); trên 350 người (trường hợp nhà trai, nhà gái tổ chức chung) thì bị xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

 2. Về việc tang:

Khi gia đình cán bộ, đảng viên có người qua đời, phải làm thủ tục báo tử theo quy định, báo cáo bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố (trưởng thôn, trưởng buôn) nơi cư trú và thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ.

Không tự ý sử dụng lòng, lề đường để dựng rạp khi gia đình có đám tang (trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép phải có trách nhiệm không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông). Người qua đời phải được chôn cất trong thời gian không quá 48 giờ sau khi khâm liệm. Không rải tiền thật, vàng mã trên đường đưa tang. Không yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức lạc hậu, trái thuần phong mỹ tục. Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Sử dụng âm thanh với âm lượng vừa phải trong khuôn khổ tổ chức lễ tang.

Xử lý khi vi phạm:

Nếu vi phạm quy định thì bị xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Nếu tái phạm thì xem xét, xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Sau khi bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, nếu tiếp tục tái phạm thì xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.

 Sau khi bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, nếu tiếp tục tái phạm thì xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

3. Về lễ hội:

 Các nghi thức lễ hội cần trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, đúng quy chế, quy định của Nhà nước và phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi công cộng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo.

Trong thời gian tổ chức lễ hội, nghiêm cấm các hoạt động mê tín như: xem bói, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh, đốt đồ mã…; thực hiện tốt văn hóa ứng xử của lễ hội, không có các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến không khí trang nghiêm của lễ hội; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

 Việc tổ chức các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị “về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự của Đảng, Nhà nước và các hình thức khen thưởng”; không phô trương, hình thức, gây lãng phí công quỹ của Nhà nước.

Không lợi dụng các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên quân hàm, chuyển công tác, con đỗ đại học và các sự kiện khác để mời khách dự tiệc mừng nhằm trục lợi. Nên tổ chức trong nội bộ gia đình, số lượng khách mời không vượt quá 100 người.

Xử lý khi vi phạm:

Nếu vi phạm quy định thì xem xét kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Nếu tái phạm thì xem xét, xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Sau khi bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, nếu tiếp tục tái phạm thì xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Sau khi bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, nếu tiếp tục tái phạm thì xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

4. Về nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Quản lý có hiệu quả thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và việc sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, đảng viên theo tính chất, đặc điểm, đặc thù công việc của từng đối tượng.

Xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công công tác, giao việc hợp lý cho cán bộ, đảng viên bảo đảm năng suất, hiệu quả, chú trọng đánh giá cán bộ, đảng viên theo kết quả đầu ra, kết quả công việc.

Tổ chức các hội nghị hợp lý theo hướng giảm bớt các cuộc họp xét thấy không cần thiết. Đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức, điều hành hội nghị, hội thảo, cuộc họp đảm bảo phát huy dân chủ, dành nhiều thời gian cho thảo luận… Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong khi làm việc và thực hiện nhiệm vụ. Hàng ngày, tuần, tháng, cán bộ, đảng viên phải chủ động xây dựng kế hoạch công tác, lịch làm việc khoa học, phù hợp.

Các cơ quan, đơn vị phải bảo đảm trang thiết bị, phương tiện và điều kiện làm việc đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc thù lao động cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. Không sử dụng thời giờ làm việc, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị vào việc riêng.

5. Về không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc và hút thuốc lá:

Cán bộ, đảng viên không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc của ngày làm việc, ngày trực (trừ các trường hợp đặc biệt phải được sự cho phép của cấp trên, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền); không điều khiển các phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia vượt quá nồng độ cồn cho phép theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ; không say rượu (dẫn đến không làm chủ được hành vi của bản thân) nơi công cộng và ảnh hưởng đến chất lượng làm việc ngày hôm sau.

Các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên khi tổ chức liên hoan, chiêu đãi, tiếp khách, hội thảo, sơ kết, tổng kết… trong ngày làm việc vào buổi trưa không được sử dụng rượu, bia.

Cán bộ, đảng viên không được hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường.

Xử lý khi vi phạm về thời gian làm việc; uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc:

Cán bộ, đảng viên vi phạm các nội dung về thời gian làm việc; uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc thì các cấp ủy Đảng phối hợp với thủ trưởng cơ quan xem xét xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và Luật Cán bộ, công chức.

 6. Bí thư chi bộ, đảng bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quán triệt, theo dõi, đôn đốc cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổ chức đảng, cấp ủy, chi bộ, đảng viên và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giám sát đảng viên do mình quản lý. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm, phải kịp thời tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm là cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp trên quản lý, phải có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đó biết, xử lý.

Các cấp ủy đảng, Bí thư chi bộ, đảng bộ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giám sát việc thực hiện, có trách nhiệm thực hiện, tuyên truyền, vận động người thân, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt quy định.

Nguồn: http://buonho.daklak.gov.vn